Dấu hiệu tăng men gan cần chú ý
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể và đảm nhận nhiều chức năng khác nhau bao gồm các chức năng tổng hợp, chuyển hóa và khử độc. Khi các tế bào gan bị phá hủy sẽ giải phóng các enzyme hay gọi là men gan vào máu, men gan cao là dấu hiệu cho thấy sự tổn thương các tế bào gan bao gồm tổn thương viêm và hoại tử gan.
1. Men gan cao là gì?
Men gan bản chất là các enzyme xúc tác thực hiện các phản ứng sinh hóa tại gan, giúp gan đảm nhiệm chức năng chuyển hóa các chất, men gan bao gồm:
- Alanine transaminase (ALT hoặc SGPT)
- Aspartate transaminase (AST hoặc SGOT)
- Gamma-glutamyl transferase (GGT)
- Phosphatase kiềm (ALP) được tìm thấy ở các vi-ti mật quản và xoang mạch gan trong đơn vị cấu trúc cơ bản gan
Bình thường khi các tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa từ đó một lượng men gan sẽ phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 35 UI/L.
Do một nguyên nhân nào đó dẫn đến sự phá hủy tế bào gan nhiều hơn làm cho nồng độ men gan trong máu tăng cao. Nếu men gan tăng từ gấp chỉ số bình thường một đến hai lần là mức độ nhẹ, 2 đến 5 lần là mức độ trung bình, tăng trên 5 lần là mức độ nặng.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tăng men gan?
- Do virus: Có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D, E. Khi xâm nhập vào cơ thể, các virus này sẽ hủy hoại tế bào gan. Trong đó virus viêm gan B và C vừa có khả năng gây viêm gan cấp tính và mạn tính tăng nguy cơ gây ung thư gan và xơ gan.
- Lạm dụng rượu bia: Nguyên nhân gây ra men gan cao có thể do tiêu thụ quá nhiều bia rượu làm tổn thương và suy giảm chức năng gan. Ngoài bệnh lý gan do rượu thì uống nhiều rượu bia còn ảnh hưởng tới các cơ quan khác như dạ dày, tim mạch, thần kinh...
- Dùng thuốc không hợp lý: Hầu hết các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng lao... đều được chuyển hóa tại gan. Mắc bệnh men gan cao có thể do lạm dụng thuốc quá mức, tạo gánh nặng và gây tổn thương lá gan. Đặc biệt thời gian gần đây việc gia tăng sử dụng các sản phẩm chức năng gia tăng tỷ lệ viêm gan.
- Chế độ ăn: Các loại thực phẩm bẩn, mốc, có chất bảo quản...đều chứa một lượng độc tố và chất aflatoxin nhất định, gây viêm gan, tăng men gan, thậm chí là ung thư gan.
- Bệnh lý đường mật:sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật, khối u đường mật...
- Do men gan không chỉ được tạo ra ở gan nên một số bệnh lý cơ quan khác cũng gây men gan cao bao gồm: Bệnh tim mạch (bệnh lý cơ tim, nhồi ấu cơ tim..), bệnh lý hô hấp, rối loạn chuyển hóa sắt, đái tháo đường...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét